Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau, tức là cơ sở phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất kinh doanh/công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất.
Trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là một vấn nạn trong xã hội như hiện nay thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp người tiêu dùng hiểu rõ và an tâm về hàng hóa mình đã chọn; giúp doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch, xây dựng hình ảnh, tăng khả năng cạnh tranh; giúp các cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó, hạn chế nạn sao chép, làm giả sản phẩm.
Trên thế giới, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được áp dụng khá lâu. Như Liên minh Châu Âu, quy định về truy xuất nguồn gốc được áp dụng từ 2005; ở Ấn Độ là 2006; ở Thái Lan là 2010… Ở Hoa Kỳ: tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA – Food Safety Modernization Act), trong đó: yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao.
Ở Việt Nam, theo Quyết định số 100/QĐ-TTg về việc Phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/01/2019, mục tiêu cụ thể hướng đến năm 2020 là: Xây dựng, ban hành tối thiểu 05 tiêu chuẩn quốc gia, 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; Triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 18/5/2018 hợp nhất các thông tư ban hành về Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn quy định rõ về đối tượng cần phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc là các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật: cơ sở trồng trọt; cơ sở sơ chế gắn liền với cơ sở trồng trọt; cơ sở thu gom; cơ sở sơ chế (độc lập); cơ sở bảo quản, vận chuyển; cơ sở chế biến; cơ sở kinh doanh (bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu); cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn: cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế; cơ sở bảo quản, vận chuyển; cơ sở chế biến; cơ sở kinh doanh (bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu).
Đối với truy xuất nguồn gốc, Theo thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định:
a) Các cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau để đảm bảo khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm;
b) Việc truy xuất phải có khả năng thực hiện được thông qua các thông tin đã được lưu giữ, bao gồm cả việc áp dụng hệ thống mã số nhận diện (mã hóa) sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất của cơ sở;
c) Cơ sở phải lưu giữ và cung cấp thông tin đảm bảo khả năng xác định: lô hàng sản xuất; lô hàng nhận, cơ sở cung cấp và lô hàng xuất, cơ sở tiếp nhận.
d) Cơ sở phải có biện pháp phân biệt rõ lô hàng nhận/lô hàng sản xuất/lô hàng xuất để đảm bảo chính xác thông tin cần truy xuất.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, cơ sở SX-KD thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang TTĐT của mình hoặc niêm yết tại trụ sở thay vì phải Công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP như hiện nay.
Cụ thể, sản phẩm được tự công bố gồm: thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm; vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ:
– Nhóm sản phẩm được miễn thủ tục tự công bố: sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ sản xuất nội bộ (không tiêu thụ trong nước);
– Nhóm sản phẩm phải làm thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm:
+ Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;
+ Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;
+ Phụ gia hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng theo quy định của Bộ Y Tế.
Cũng theo văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc lưu trữ thông tin: Thông tin tối thiểu phải lưu trữ cho mục đích truy xuất tại mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; Hệ thống quản lý dữ liệu, mã hóa các thông tin truy xuất nguồn gốc phải được lưu trữ bằng phương tiện phù hợp đảm bảo thuận lợi cho việc tra cứu.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu cùng với các lập trình viên của Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Quy Nhơn đã xây dựng “Hệ thống truy xuất nguồn gốc – AristTrace” – là một giải pháp truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và một số sản phẩm hàng hoá khác. Hệ thống này hứa hẹn giúp cho các doanh nghiệp xây dựng thông tin đầy đủ cho sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh theo các quy định của Nhà nước, và đặc biệt, người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin cần thiết từ sản phẩm trên tay của họ, an tâm lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu và đảm bảo độ tin cậy.
Giải pháp – AristTrace phát huy lợi ích trong việc đảm bảo an toàn, chất lượng hàng hoá, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích và giá trị của doanh nghiệp cùng với các tính năng nổi bật như:
⦁ Giúp doanh nghiệp cung cấp tất cả thông tin (tên sản phẩm, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, quá trình vận chuyển, mô tả, hình ảnh, logo,…) sản phẩm đến người tiêu dùng; là cầu nối uy tín giữa doanh nghiệp và khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đây được xem là một công cụ quảng bá thương hiệu sản phẩm khá hiệu quả cho các doanh nghiệp.
⦁ Tạo mã quản lý sản phẩm ngẫu nhiên, cá biệt từng sản phẩm nhằm chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trôi nổi trên thị trường.
⦁ Hỗ trợ các nhà quản lý, cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng từng đơn vị sản phẩm, quản lý kho hàng, quản lý bán hàng.
⦁ Hệ thống thường xuyên được cập nhật, nâng cấp, chỉnh sửa nhanh và dễ dàng.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc – AristTrace phục vụ 4 mục đích: phục vụ chuỗi cung ứng để minh bạch chất lượng; phục vụ sự yên tâm cho người tiêu dùng; phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước; và phục vụ cho chính doanh nghiệp…
Hệ thống truy xuất nguồn gốc AristTrace cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các tác vụ để xây dựng và quản lý thông tin về sản phẩm của mình như:
⦁ Thông tin đơn vị
⦁ Quản lý hoạt động
⦁ Quản lý sản phẩm
⦁ Quản lý tem
Giao diện chính trên website quản lý của AristTrace
Bằng việc nhập thông tin vào trong hệ thống theo đúng từng tác vụ, từng bước theo quy trình từ sản xuất đến kinh doanh, dữ liệu nhập được sẽ là cơ sở cho doanh nghiệp quản lý và cũng là nguồn thông tin cung cấp cho người tiêu dùng.
Một số tính năng cơ bản của hệ thống trên giao diện quản lý website như:
1. Quản lý hoạt động
Ở tác vụ này, doanh nghiệp có thể ghi lại toàn bộ các hoạt động của mình như nhập kho, xuất kho hay vận chuyển sản phẩm, thuận tiện cho việc quản lý và truy xuất thông tin sau này.
Giao diện của tab Quản lý hoạt động trên website
2. Quản lý sản phẩm
Tại đây, doanh nghiệp có thể cập nhật tất cả thông tin các sản phẩm mà mình kinh doanh bao gồm mẫu tem đi kèm và mô tả chi tiết về sản phẩm.
Giao diện website của phần quản lý sản phẩm
3. Quản lý tem
Ở phần này, tất cả các mẫu tem tương ứng với sản phẩm được dán đều hiện thị đầy đủ các thông tin như ngày in, hạn sử dụng và có thể in tem khi doanh nghiệp cần.
Giao diện tab Quản lý tem trên website
Một số tính năng cơ bản của hệ thống trên giao diện trên di động như:
Màn hình hiển thị và tính năng cập nhật thông tin của nhân viên trong mỗi khâu của quy trình sản xuất/kinh doanh trên ứng dụng điện thoại di động.


Việc sử dụng hệ thống của người dùng:
Về phía người tiêu dùng, với sản phẩm hàng hoá doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc AristTrace, chỉ cần với một chiếc điện thoại thông minh thì người tiêu dùng có thể truy xuất tất cả các thông tin về sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp mà họ đang lựa chọn bằng cách quét mã QR (đã được doanh nghiệp dán tem sẵn trên sản phẩm) thông qua một ứng dụng bất kì có tính năng quét mã QR (như quét mã QR trên ứng dụng Zalo).
Lợi ích của AristTrace:
⦁ Đối với Doanh nghiệp:
⦁ AristTrace đóng vai trò là cầu nối uy tín đảm bảo chất lượng hàng hoá, bảo vệ thương hiệu của nhà sản xuất đến với tay người tiêu dùng.
⦁ Giúp nhà sản xuất tăng cường hiệu quả truyền thông nhằm phát triển thương hiệu trong và ngoài nước.
⦁ Đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về mặt pháp lý đối với sự minh bạch thông tin và chất lượng hàng hoá, nhằm khởi nguồn cho việc tạo dựng niềm tin bắt đầu nơi khách hàng.
⦁ Đối với nhà quản lý:
⦁ Giúp nhà quản lý kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hoá, quản lý nguồn gốc, xuất xứ, đối chiếu một cách nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả.
⦁ Hỗ trợ các cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện, xử lý lô hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả lưu thông trôi nổi trên thị trường.
⦁ Đối với người tiêu dùng:
⦁ AristTraceQNU giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận hệ thống thông tin minh bạch, đầy đủ, chính xác về truy xuất nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.
⦁ Bảo vệ người tiêu dùng tránh khỏi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, yên tâm khi mua sắm
⦁ Chung tay bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, vì cuộc sống an toàn hơn, thông minh hơn.
Với AristTrace, hệ thống sẽ được tuỳ chỉnh theo từng nghiệp vụ quy trình chi tiết của mỗi doanh nghiệp, của mỗi sản phẩm cụ thể, sự tuỳ biến này bao gồm cả nghiệp vụ xử lý trên website và cả trên ứng dụng di động. Đồng thời, khi sử dụng hệ thống AristTrace, doanh nghiệp sẽ đáp ứng dần các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, tiến tới khẳng định thương hiệu của mình, góp phần vào việc vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Các doanh nghiệp hãy đến với chúng tôi, đến với Hệ thống truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0. Mọi chi tiết xin liên hệ:
Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Quy Nhơn, Phòng 76-78, Toà nhà 15 tầng, Trường Đại học Quy Nhơn, 170 An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Website: https://aristqnu.com/
Điện thoại: 02563 546 719; Email: vnukc@qnu.edu.vn