Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á có điều kiện tự nhiên thích hợp cho chim yến sinh sống. Trong đó, chim yến hàng (Aerodramus fuciphagus) là phân loài đặc hữu ở Việt Nam. Quần thể chim yến ở nước ta rất phát triển, phân bố trải dài từ Thanh Hóa cho tới phía nam Phú Quốc và các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là vùng Khánh Hòa.
Nghề khai thác tổ yến tự nhiên đã có từ rất lâu ở nước ta, tổ yến được khai thác từ các đảo cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, sản lượng của việc khai thác tổ yến tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dùng, kèm với hiệu quả kinh tế từ việc kinh doanh tổ yến đã thúc đẩy nghề nuôi chim yến ra đời.
Nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và PTNT, đến tháng 03/2017 ở nước ta có hơn 8000 nhà yến. Tuy nhiên, người nuôi chim yến cần có vốn kiến thức và kĩ thuật nuôi chim yến thật vững để đạt được sản lượng yến tổ cao nhất và tránh những rủi ro, thiệt hại trong nghề nuôi chim yến trong nhà.
Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Quy Nhơn xin tổng hợp một số kiến thức về điều kiện môi trường nhà yến như dưới đây.
Nhà yến là môi trường sống nhân tạo để chim yến sinh sống, với các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh… mô phỏng môi trường sống tự nhiên, nhằm duy trì, phát triển đàn yến và khai thác sản phẩm từ chim yến.
-
Ảnh nhà yến
Chim yến thường sống thành quần đàn, không sống riêng lẻ, chúng đeo bám và làm tổ trên vách đá trong hang nhờ bộ móng vuốt phát triển.
Điều kiện môi trường sống ngoài tự nhiên của chim yến nhà
Điều kiện môi trường | Thông số |
Nhiệt độ | 27 – 30 ºC |
Độ ẩm | 75 – 85% |
Ánh sáng | <0,2 lux |
Thời gian chim rời tổ đi kiếm ăn tùy thuộc vào mùa, khi mặt trời mọc cũng là lúc chim yến bắt đầu đi kiếm ăn.
- Thời gian rời tổ: 5h00 – 5h30; mùa đông trễ hơn 6h00.
- Thời gian về tổ: 18h00 – 18h30; mùa đông thì sớm hơn: 17h30.
Đối với chim không nuôi chim con thì chúng rời tổ đi kiếm ăn từ sáng cho đến chiều tối về tổ để nghỉ ngơi. Những cặp đang ấp trứng thì thay phiên nhau nhau về ấp trứng. Những cặp nuôi chim con thì số lần quay về tổ nhiều hay ít phụ thuộc vào chim con còn bé hay lớn.
Mỗi buổi sáng chim yến đi kiếm ăn theo tiếng gọi của bầy đàn, sáng sớm một số chim yến rời khỏi tổ, bay xung quanh phát ra tiếng kêu thì tất cả chim khác đều rời tổ, bay lượn xung quanh, phát ra âm thanh ríu rít, chung bay lượn 5 – 10 vòng rồi bay ra ngoài. Bên ngoài, chúng tiếp tục bay lượn vòng và phát ra những tiếng kêu khác nhau về âm sắc, tần số. Chúng lượn 10 – 15 vòng thì cùng nhau rời khỏi nhà bay đi kiếm ăn.
Chiều tối chim đi kiếm ăn trở về lúc 16h30. Chúng chưa bay vội vào nhà mà lượn vòng quanh cửa ra vào để hạ nhiệt và đồng thời phát ra tiếng kêu ầm ĩ, gọi nhau cùng vào tổ của mình.. Cũng như bất kỳ một loài sinh vật nào, chim yến cũng có âm sinh học riêng. Tần số âm thanh mà loài chim yến phát ra rơi vào khoảng 1 – 16 KHz, tập trung nhất trong khoảng 2 – 5 KHzn
Bài viết trên do Nguyễn Trí Giàu tổng hợp, có tham khảo một số thông tin từ: ThS. Lê Hữu Hoàng – Tạp chí Khoa học Thời đại Bình Phước; Báo Nông Nghiệp; Một số công ty tư vấn xây dựng nhà yến lớn: Tầm Cao Việt, Dũng Phi Yến…