Với phương châm đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học đến gần hơn với cuộc sống, phục vụ cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ của Trường Đại học Quy Nhơn đã miệt mài nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm phần mềm có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lĩnh vực y tế, trong đó có Phần mềm lưu trữ, truyền nhận và xử lý hình ảnh y tế viết tắt là QNPACS.

Phần mềm QNPACS gồm có 5 thành phần chính bao gồm: (1) Phân hệ kết nối hai chiều với thiết bị chụp để thu nhận và lưu trữ ảnh; (2) Phân hệ đồng bộ dữ liệu với HIS; (3) Phân hệ Server truyền nhận ảnh qua LAN, INTERNET; (4) Phân hệ client hay còn gọi là workstation hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh với đầy đủ các công cụ xử lý ảnh hỗ trợ như MPR, MIP, 3D,…; (5) Phân hệ hiển thị và chẩn đoán hình ảnh trên thiết bị di động….


Mô hình kết nối QNPACS tại các bệnh viện

Nhằm thúc đẩy việc chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ đời sống, Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Quy Nhơn đã triển khai lắp đặt, chuyển giao phần mềm QNPACS tại các bệnh viện tuyến tỉnh như BVĐK tỉnh Bình Định, BVĐK tỉnh Phú Yên, BVĐK tỉnh Bình Phước, BV Lao và Bệnh Phổi tỉnh Bình Định, bệnh viện tuyến huyện như Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn.

Từ tháng 8/2018, Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Quy Nhơn đã triển khai lắp đặt và chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương với quy mô 1200 giường được trang bị hiện đại hướng tới tiêu chuẩn quốc tế JCI.

Dưới đây là một số hình ảnh triển khai phần mềm tại bệnh viện:


Sản phẩm QNPACS của Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Quy Nhơn đã khẳng định là một sản phẩm y tế thông minh, hữu ích trong các bệnh viện, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Bộ Y tế về Các tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hướng tới phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trong các vùng miền của cả nước với những đặc điểm nổi bật như sau:

Là sản phẩm thực sự của Việt Nam, kết nối được với hệ thống HIS, thực hiện liên thông tốt, đồng bộ thông suốt từ HIS đến PACS và các client.
Giải quyết được sự giảm tải cho bệnh viện, nhất là với các bệnh viện có quy mô lớn, số lượng bác sĩ nhiều nhưng số máy xét nghiệm thì ít; tăng tính quản trị cho từng bác sĩ và cho cả bệnh viện.
Hỗ trợ thực sự cho mục tiêu hướng đến bệnh án điện tử.
Giải quyết bài toán về y tế từ xa, nhất là nhận được sự hỗ trợ chẩn đoán của các chuyên gia cấp cao/quốc tế cho các ca bệnh.
Không cần phải in phim, tiết kiệm chi phí rất lớn.
Giải quyết được vấn đề bảo hiểm phải trả nhiều lần cho quá trình chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân và quản lý bệnh án.
Là sản phẩm có thể dùng trong nghiên cứu khoa học của bệnh viện, nhất là nghiên cứu của các bác sĩ về chẩn đoán.
Sắp tới, Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ sẽ tiếp tục phát triển các nghiên cứu về chẩn đoán chuyên sâu trên các tạng đặc của cơ thể. Đặc biệt, Viện đang phát triển đề tài nghiên cứu khoa học về “Xây dựng mô hình Gan, xác định thể tích và phát hiện bất thường của vùng Gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh y khoa Chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng” để tích hợp vào sản phẩn QNPACS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *